Tăng nhãn áp (Glôcôm) là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

1. Bệnh Glôcôm (Glaucoma) là gì?

Bệnh Glôcôm (Glaucoma) còn có các tên gọi khác như: bệnh tăng nhãn áp, thiên đầu thống, cườm nước.
 
Glôcôm là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm bệnh có đặc điểm chung là tổn hại thần kinh và mất thị trường. Bệnh thường xuất hiện âm thầm, không có biểu hiện rõ ràng, gây tổn thương trên mắt. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có nguy cơ dẫn đến mù lòa.
Glôcôm có thể phân loại như sau:
  • Glôcôm nguyên phát
  • Glôcôm góc đóng nguyên phát
    • Glôcôm góc đóng nguyên phát có nghẽn đồng tử
      • Glôcôm góc đóng cơn cấp
      • Glôcôm góc đóng bán cấp
      • Glôcôm góc đóng mạn tính
      • Glôcôm góc đóng nguyên phát không có nghẽn đồng tử
    • Glôcôm góc mở nguyên phát
  • Glôcôm thứ phát

2. Nguyên nhân gây bệnh Glôcôm

  • Do yếu tố di truyền trong gia đình.
  • Do tuổi tác cao – nguy cơ bị bệnh glôcôm tăng lên khi trên 50 tuổi.
  • Do có tiền sử các bệnh lý về mắt như: biến chứng tiểu đường, viêm nhiễm về mắt như viêm màng bồ đào,…
  • Do các chấn thương mắt.
  • Do tác dụng phụ của việc thường xuyên dùng các thuốc corticosteroids.
  • Biến chứng sau phẫu thuật mắt.

3. Triệu chứng của bệnh Glôcôm

Với mỗi thể bệnh, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau:
3.1 Glôcôm nguyên phát
  • 3.1.1 Glôcôm góc đóng nguyên phát
  • 3.1.1.1 Glôcôm góc đóng nguyên phát có nghẽn đồng tử
  • glôcôm góc đóng nguyên phát cơn cấp
Bệnh xảy ra khi nhãn áp tăng cao một cách nhanh chóng do mống mắt chu biên đột ngột áp ra trước làm tắc nghẽn vùng bè.
Bệnh khởi phát đột ngột, diễn biến rầm rộ, thường xảy ra vào lúc chiều tối, sau một xúc động mạnh, bệnh nhân đột ngột đau nhức mắt, nhức xung quanh hố mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên, nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, sợ ánh sáng, chói sáng kèm theo chảy nước mắt, bệnh nhân có thể buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, sốt…
Glôcôm góc đóng nguyên phát bán cấp
Glôcôm góc đóng bán cấp là những đợt tăng nhãn áp (ở mức vừa phải) do đóng góc được biểu hiện bằng những đợt giảm thị lực, nhìn đèn có quầng, đau nhức nhẹ trong mắt và đầu. Bệnh biểu hiện âm thầm hầu như không có triệu chứng chủ quan rõ rệt. Không điều trị gì, các triệu chứng này cũng tự qua đi.

Glôcôm góc đóng nguyên phát mãn tính

Bệnh biểu hiện âm thầm, hầu như không có triệu chứng chủ quan đau nhức hoặc đôi khi chỉ có cảm giác căng tức nhẹ thoảng qua trong mắt hoặc đầu.

3.1.1.2 Glôcôm góc đóng nguyên phát không có nghẽn đồng tử

Bệnh nhân hầu như không có các triệu chứng chủ quan đau nhức. Người bệnh thường đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn với những tổn thương nặng trên đĩa thị và tổn hại về thị trường.

3.1.2 Glôcôm góc mở nguyên phát

Các triệu chứng thường biểu hiện rất kín đáo, trừ trường hợp có tổn thương nặng trên thị trường. Vì vậy người bệnh khó tự phát hiện đươc bệnh ở giai đoạn sớm. Nhiều người bệnh chỉ phát hiện được trong những hoàn cảnh tình cờ.
Đa số người bệnh chỉ có cảm giác hơi căng tức mắt hoặc nhìn mờ nhẹ thoáng qua khi làm việc bằng mắt nhiều, khi căng thẳng thần kinh, khi lo lắng nhiều.
Có những người bệnh nhìn như có màn sương mỏng trước mắt vào buổi sáng.
 
3.2 Glôcôm thứ phát:
xuất hiện sau những rối loạn tại mắt và toàn thân, như glôcôm do chấn thư­ơng, do viêm màng bồ đào, do bệnh lý của thể thuỷ tinh,…

4. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Glôcôm

  • Người ở độ tuổi ngoài 40.
  • Người có người nhà mắc bệnh Glôcôm.
  • Người mắc tật khúc xạ: cận thị trên 4 diop, lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh.
  • Người mắc các bệnh toàn thân như huyết áp cao, tụt huyết áp về đêm, co thắt mạc trong bệnh lý mạch vành, hội chứng Raynaud, rối loạn tuần hoàn não, đau nửa đầu, tăng mỡ máu, bệnh đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp.

5. Điều trị bệnh Glôcôm

Mục đích điều trị bệnh Glôcôm là làm dừng hoặc chậm lại quá trình tiến triển của bệnh, duy trì chất lượng nhìn, chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bệnh nhân glocom có thể được chỉ định điều trị bằng nhiều giải pháp khác nhau như:
  • Điều trị bằng thuốc tra mắt, thuốc uống, truyền dịch để làm hạ nhãn áp.
  • Điều trị laser: Laser mống mắt chu biên, Cắt mống mắt chu biên, tạo hình mống mắt bằng laser, đốt laser vùng bè, đốt laser vùng bè chọn lọc, laser quang đông thể mi.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bè, phẫu thuật lỗ rò, phẫu thuật cắt củng mạc sâu không xuyên thủng, phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền phòng.

6. Tiến triển và biến chứng

Tiên lượng tùy thuộc vào tình trạng bệnh, giai đoạn bệnh khi bệnh nhân đến khám và điều trị. Nếu không được điều trị kịp thời, các tổn thương đĩa thị và thị trường ngày càng nặng hơn dẫn đến mù lòa không có khả năng hồi phục. Nếu được phát hiện sớm và điều trị sớm, đúng phác đồ và theo dõi thường xuyên, bệnh nhân có thể tránh được nguy cơ mù lòa. Điều trị bệnh glocom đòi hỏi một quá trình lâu dài, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị được chỉ định để có thể kiểm soát diễn biến bệnh và tránh những biến chứng nguy hiểm.

7. Phòng tránh bệnh Glôcôm

Cho đến nay chưa có biện pháp nào có thể phòng được bệnh Glôcôm. Vì vậy việc phát hiện và điều trị sớm, theo dõi thường xuyên là rất quan trọng. Các đối tượng có nguy cao như người trên 40 tuổi nên đi khám mắt thường xuyên, người có người thân mắc bệnh glocom nên khám mắt định kỳ 6 tháng 1 lần.

Hy vọng bài viết của chúng tôi đã giúp các bạn nắm rõ những thông tin của bệnh trợt biểu mô giác mạc. Khi có những dấu hiệu của bệnh trợt biểu mô giác mạc, nền nhanh chóng đến cơ sở chuyên khoa mắt uy tín để được các Bác sĩ thăm khám và kiểm tra để điều trị phù hợp.